Các dự án thua lỗ Các vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng được nhiều chuyên gia kinh tế cho là "quả đấm thép", là "con bò sữa" của ngành kinh tế, nhưng do quản lý lỏng lẻo đã bị một số cán bộ biến thành nơi "rút ruột", gây thất thoát không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.[7]

Trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương tính tới cuối năm 2016, PVN chiếm nhiều nhất với 5 dự án. Trong đó, có 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ, Bình Phước và Dung Quất; 2 dự án khác là nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và Công ty đóng tàu Dung Quất.[7] 3 nhà máy bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ (PVTex). Công ty đóng tàu Dung Quất đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ. Còn dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ thì bị dừng thi công do chi phí tăng cao, thiếu vốn.[8]

Các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol

Cuối năm 2007, Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 và tầm nhìn đến 2025", với mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch. Ngay sau đó, hàng loạt DN đã đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp mới mẻ này.

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), từ tháng 10.2007 đến tháng 3.2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên doanh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol ở 3 tỉnh: Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước. Công suất mỗi nhà máy là 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30%, còn lại vay tín dụng 70%.

  • Dự án nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung làm chủ đầu tư bắt đầu việc lập dự án đầu tư từ năm 2008. Đến năm 2014, dự án này cơ bản hoàn thành. Đến tháng 5.2015, dự án này ngừng hoạt động đến nay; tuy nhiên hàng năm vẫn tiêu tốn tiền tỉ để bảo dưỡng. Năm 2014, nhà máy này đã lỗ đến 164 tỉ đồng.
Theo TTCP, số tiền bỏ ra cho dự án ở Dung Quất hơn 2.100 tỉ đồng, vượt tổng mức đầu tư được duyệt hàng trăm tỉ. Khi chưa thành lập Công ty CP NLSH dầu khí miền Trung (chủ đầu tư nhà máy), PVN đã giao cho Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) chủ trì xây dựng báo cáo, nghiên cứu tìm điềm đặt nhà máy. Petrosetco khi lựa chọn điểm xây dựng đã không khảo sát việc đền bù giải phóng mặt bằng, gây lãng phí tiền tỉ do phải chuyển vị trí nhà máy sang nơi khác. Việc triển khai dự án còn làm trái Luật Đấu thầu khi chỉ định nhà thầu là Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật và Xây lắp dầu khí thực hiện mà không tổ chức đấu thầu theo luật. Đây cũng là nhà thầu chưa có kinh nghiệm, dẫn đến dự án bị chậm 24 tháng, phát sinh 345 tỉ.[9]
  • Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ có vốn đầu tư ban đầu là khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỉ đồng. Chủ đầu tư trực tiếp là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB). Triển khai cách đây hơn 6 năm, từ tháng 6/2009, nhà máy có diện tích hơn 50 ha này được khởi công và dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2012. Thế nhưng khi đã xong khoảng 80% khối lượng công việc, từ cuối năm 2011 đến nay dự án dừng thi công.[10]
  • Nhà máy ethanol Bình Phước được đầu tư gần 85 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng), bởi 2 đối tác góp vốn hình thành là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (51% vốn) và tập đoàn Itochu Nhật Bản (49% vốn). được khởi công năm 2010 và khánh thành vào tháng 12.2012. Nhà máy ehanol BP có công suất 300.000 lít xăng E5 /ngày. Từ tháng 4.2012, nhà máy đi vào hoạt động và mới sản xuất được 14 triệu lít xăng sinh học (tương đương 1,4 triệu lít/tháng). Tuy nhiên, vì không bán được xăng, kể từ đầu năm 2015 đến nay, nhà máy ethanol BP phải đóng cửa. Dù không hoạt động, nhà máy vẫn phải duy tu, bảo dưỡng, trả lãi ngân hàng gần 10 tỷ đồng/tháng.[11]

Cty CP Thi công cơ giới và lắp máy Dầu khí

Cty CP Thi công cơ giới và lắp máy Dầu khí (PVC-ME) được ông Trịnh Xuân Thanh và các thành viên HĐQT Tổng Cty Xây lắp Dầu khí (PVC) chủ trương thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó PVC nắm giữ 40% cổ phần và giao ông Trịnh Văn Thảo làm giám đốc. Đến tháng 6/2012, sau 4 năm dưới sự chèo lái của ông Vũ Duy Thành - Chủ tịch HĐQT và giám đốc Trịnh Văn Thảo, PVC-ME đã thua lỗ hơn 576 tỷ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Thua lỗ thất thoát tại PVC-ME đã cộng thêm phần tiêu cực vào việc thua lỗ hơn 3.300 tỉ đồng tại PVC.[12][13]

PVC-ME có ngành nghề chính là thi công xây dựng hạ tầng, nền móng, gia công cơ khí, lắp máy và đường ống. Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2012, PVC-ME đã ký kết được được 34 hợp đồng kinh tế với giá trị 2.780 tỷ đồng, trong đó có những dự án rất lớn. Hầu hết các hợp đồng quy mô rất lớn này đều liên quan đến ngành dầu khí và do PVC nhận về rồi chỉ định cho PVC-ME thi công. Do năng lực yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình, sau đó chỉ định các nhà thầu phụ thi công, còn mình đứng giữa "ăn" phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối trong hoạt động kinh doanh; rất nhiều dự án phải tạm dừng thi công vì chậm tiến độ, thất thoát, thậm chí là thua lỗ lớn. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy PVC-ME đã lập một "quỹ đen" trái phép và đã chi hết trên 80,7 tỷ đồng. Kế toán trưởng, nhân viên PVC-ME đã rút từ "quỹ đen" hàng chục lần, có lần vài trăm triệu đồng, có lần cả tỷ đồng để đưa cho Giám đốc PVC-ME Trịnh Văn Thảo đi đối ngoại, tiếp khách hoặc đưa hàng trăm triệu đồng khác cho các lãnh đạo khác của PVC-ME tiếp khách hoặc đi nước ngoài.[14]

Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí

Theo Thanh tra Chính phủ kết luận trong năm 2016, năm 2008, Hội đồng quản trị (HĐQT) PV Tex phê duyệt dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ với tổng mức đầu tư 324,8 triệu USD (tương đương với 5.437 tỉ đồng). Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã xảy ra nhiều sai phạm từ khâu phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư, đến đấu thầu ở hai hạng mục đầu tư và xây dựng, dẫn đến dự án không hiệu quả. PVTex chính thức hoạt động từ năm 2008 với số vốn điều lệ ban đầu 160 tỉ đồng. Qua 3 lần tăng vốn điều lệ và thoái vốn của một số cổ đông, đến thời điểm 31.12.2014, vốn điều lệ của PVTex là 1.996 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2014, toàn bộ 100% số vốn góp tại PVTex là của PVN và các đơn vị thành viên, gồm: Tổng Công ty CP Tài chính Dầu khí, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí. Kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy đã thua lỗ lên tới hơn 1.472 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỉ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỉ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỉ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn. Vũ Đình Duy với vai trò là TGĐ PV Tex từ ngày 15.7.2009 đến tháng 2.2014 phải chịu trách nhiệm lớn.[15]

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1.200 MW với tổng mức đầu hơn 34.000 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD), là một trong những dự án của PVC được PVN giao triển khai, là một trong những dự án điển hình của việc dùng vốn sai mục đích của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh. Số tiền tạm ứng cho dự án này được PVN rót cho PVC hồi năm 2011 vào khoảng 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD. PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán khoản 425 tỷ đồng nợ gốc vay ngân hàng và dùng 55 tỷ đồng thanh toán lãi vay uỷ thác của PVN. Ngoài ra, lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh còn chi 74 tỷ đồng để hỗ trợ nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh). Số tiền 300 tỷ đồng còn lại, PVC dùng để góp vốn vào 5 công ty con gồm: công ty PVC - MS là 102 tỷ đồng, công ty PVC - Land 50 tỷ đồng, công ty PVC - Hoà Bình là 55 tỷ đồng, công ty PVNC 30 tỷ đồng và công ty PVC Mekong 30 tỷ đồng. Đến nay 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ. Kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ông Lê Đình Mậu ngày 25.9.2017 bị bắt do có liên quan đến dự án này.[16]

Tòa nhà Bạc Liêu Tower

Tòa nhà Bạc Liêu Tower do PVC MeKong đầu tư gồm 18 tầng (hoàn thành ngày 12/12/2011 từ tầng 1 đến tầng 8 và tầng 17, các tầng còn lại là xây thô, chưa hoàn thiện), là Tổ hợp thương mại, khách sạn và cao ốc văn phòng. Tổng mức đầu tư là 239 tỷ đồng. PV Gas là đơn vị đầu tiên tham gia dự án nêu trên, sau đó chuyển lại cho PVC-Mekong. Tính đến cuối 2013, số tiền PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh rót vào PVC-Mekong là 153 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ đồng lấy từ tiền tạm ứng hơn 1.300 tỷ của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Số tiền này được cho là chi sai mục đích. Tính đến thời điểm hiện tại (2017), PVC-Mekong còn nợ gốc vay tại Oceanbank là hơn 119 tỷ đồng và chi phí lãi vay tính đến 31/12/2016 là 115 tỷ đồng.[17] Tập đoàn PVN ngày 14/4/2015 đồng ý cho PV Gas mua lại Tòa nhà Bạc Liêu Tower từ PVC-Mekong theo giá thẩm định giá trị tài sản được xác định bởi đơn vị tư vấn độc lập là 239 tỷ đồng và ngày 21/9/2016, đồng ý sau đó sẽ bán lại cho UBND tỉnh Bạc Liêu với giá 198 tỷ đồng (đã bao gồm VAT). UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ trả chậm trong vòng 10 năm cho PV Gas, trong thời gian này UBND tỉnh Bạc Liêu không phải trả lãi trả chậm.[18]

Khai thác dầu tại Venezuela

PVN sa lầy và mất trắng cả chục ngàn tỉ đồng ở dự án liên doanh khai thác dầu tại Venezuela. Bằng những con số báo cáo không thật, dưới sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, PVN đã ký hợp đồng lập liên doanh với Venezuela vào tháng 6.2010, trước khi các cấp có thẩm quyền chính thức cho phép, bất chấp cảnh báo rủi ro của các bộ ngành liên quan. Trong vòng 30 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết, PVN phải trả cho đối tác 584 triệu USD tiền mặt.Tính từ tháng 5.2011 đến tháng 5.2012, PVN đã nộp cho đối tác 442 triệu USD mà không có một giọt dầu nào được tìm thấy. Năm 2013, ban lãnh đạo mới của PVN phải "cứu" 142 triệu USD cuối cùng bằng quyết định đơn phương chấm dứt liên doanh, chấp nhận mất 442 triệu USD "phí tham gia", mất luôn 90 triệu USD tiền góp vốn (tương đương khoảng hơn 11.000 tỉ đồng).[19][20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Các vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam http://www.bbc.com/news/world-europe-40806193 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39862541 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40767308 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40790917 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42490519 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42746422 http://www.bbc.com/vietnamese/world-41438437 http://www.dw.com/en/cold-war-style-kidnapping-ber... http://www.vietnam.diplo.de/Vertretung/vietnam/vi/... http://www.vietnam.diplo.de/Vertretung/vietnam/vi/...